1. Xét nghiệm viêm gan B định tính HBsAg
Xét nghiệm viêm gan B dương tính HBsAg là xét nghiệm dựa trên kháng nguyên bề mặt của virus HBsAg.
Nếu HBsAg âm tính: Bệnh nhân không bị mắc viêm gan B. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị phơi nhiễm viêm gan B hoặc có nguy cơ bị phơi nhiễm cao thì cần làm thêm xét nghiệm Anti-HBc để biết chính xác;
Nếu HBsAg dương tính: Bệnh nhân đang bị nhiễm virus viêm gan B. Virus này sẽ tăng nhanh chóng trong khoảng 10 tuần nhiễm bệnh.
Trường hợp cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì virus có thể giảm dần và dần biến mất trong khoảng 4 - 6 tháng tiếp theo. Nếu cơ thể khỏi bệnh thì bệnh nhân sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời với virus viêm gan B. Bệnh nhân nên đi khám và xét nghiệm viêm gan B lại sau 6 tháng để kiểm tra rõ tình trạng.
Trường hợp sức khỏe yếu, không thể đẩy lùi được virus thì bệnh nhân sẽ bị viêm gan B mãn tính. Trường hợp này được tính khi kết quả xét nghiệm lại sau 6 tháng vẫn dương tính. Nếu bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính thì sẽ phải làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như: xét nghiệm huyết học, xét nghiệm sinh hóa và các xét nghiệm sinh học phân tử như: HBV-DNA, HBV genotyping.
Sau khi xét nghiệm định tính HBsAg thì cần làm đầy đủ theo thứ tự lần lượt: Định lượng HBsAg, Anti-HBs (HBsAb), HBeAg, Anti-HBe (HBeAb), Anti-HBc và Anti-HBc IgM.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý, kể cả khi xét nghiệm HBsAg chuyển đổi thành âm tính thì vẫn có nguy cơ bị xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Dù virus đã biến mất nhưng ADN của virus này vẫn có thể tồn tại ở những người này. Nói cách khác là có thể virus vẫn còn nhưng ở mức độ kỹ thuật xét nghiệm không có khả năng phát hiện.
Xét nghiệm định tính HBsAg chỉ có thể xác định được cơ thể có nhiễm virus hay không chứ không biết được tình trạng hoạt động của virus như thế nào, có thể phát triển, lây lan không, mức độ ảnh hưởng ra sao. Để biết được những thông tin này, người bệnh cần làm thêm nhiều xét nghiệm bổ sung khác.
Trường hợp viêm gan B dương tính, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc, dừng thuốc hoặc đổi thuốc khác vì có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh sau này.
2. Xét nghiệm định lượng viêm gan B - HBsAg
Đây là xét nghiệm nhằm xác định nồng độ kháng nguyên HBsAg nhiều hay ít. Nắm bắt được định lượng này sẽ giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị hiệu quả.
3. Xét nghiệm Anti-HBs
Hướng dẫn xem kết quả xét nghiệm viêm gan B
Xét nghiệm Anti-HBs
Anti-HBs là kháng thể kháng HBsAg.
Nếu kết quả Anti-HBs dương tính: Nghĩa là người bệnh đã có miễn dịch với viêm gan B. Trường hợp này không cần tiêm vaccine. Nồng độ Anti-HBs > 10 mUI/ml được xem là có tác dụng bảo vệ;
Nếu Anti-HBs âm tính: Nghĩa là bệnh nhân chưa có miễn dịch với viêm gan B. Trường hợp này cần tiêm vaccine. Bệnh nhân sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi khỏi bệnh nếu có kháng thể Anti-HBs nghĩa là đã có miễn dịch với virus viêm gan B.
4. Xét nghiệm HBeAg
HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus viêm gan B.
Nếu bệnh nhân dương tính với HBeAg thì chứng tỏ virus đang phát triển mạnh lên và có khả năng lây lan.
Nếu bệnh nhân âm tính với HBeAg thì có thể virus không hoạt động hoặc virus đột biến. Để xác định chính xác hơn bệnh nhân cần xét nghiệm HBV - DNA và HBV genotyping.
5. Xét nghiệm Anti-HBe
Anti-HBe là kháng thể kháng HBeAg. Nếu kết quả xét nghiệm Anti-HBe dương tính nghĩa là bệnh nhân đã có miễn dịch một phần. Nếu kết quả xét nghiệm Anti-HBe âm tính nghĩa là bệnh nhân chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.
Cặp xét nghiệm HBeAg và Anti-HBe nên làm đầy đủ để phân tích 4 khả năng như sau:
Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (-): Virus đang hoạt động mạnh, nhân bản, viêm gan tiến triển, dễ lây lan;
Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (+): Virus ngừng nhân bản, cơ thể có miễn dịch một phần, khả năng lây lan giảm đáng kể. Cũng có thể là thể đột biến hoang dại;
Trường hợp HBeAg (+) và Anti-HBe (+): KN và KT cân bằng hoặc do phức hợp miễn dịch. Bệnh nhân cần được theo dõi thêm;
Trường hợp HBeAg (-) và Anti-HBe (-): Biến thể Pre-C hoặc giai đoạn cửa sổ của quá trình chuyển đảo huyết thanh.
6. Xét nghiệm Anti-HBc
Hướng dẫn xem kết quả xét nghiệm viêm gan B
Xét nghiệm Anti-HBc
Anti-HBc là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B. Anti-HBc có thể tồn tại suốt đời. Xét nghiệm này cho biết bệnh nhân đã bị phơi nhiễm virus viêm gan B hay chưa.
7. Xét nghiệm Anti-HBc IgM
Anti-HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B typ IgM. Anti-HBc IgM xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hay đợt cấp của viêm gan B mạn tính. Xét nghiệm Anti-HBc và Anti-HBcIgM nhằm xác định bệnh nhân viêm gan cấp hay mạn tính.
Để kết quả xét nghiệm viêm gan B chính xác, bệnh nhân cần lưu ý:
Nhịn ăn từ 4 - 6 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Vì thức ăn có thể ảnh hưởng đến một số phản ứng sinh hóa, dẫn đến sai lệch trong kết quả;
Không uống thuốc trước khi làm xét nghiệm, đặc biệt là các thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tâm lý...;
Không uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích gần thời gian làm xét nghiệm;
Nên thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng. Lúc này cơ thể đã có thời gian cả đêm thanh lọc các chất dư thừa và độc hại. Ngoài ra, thời gian ngủ qua đêm không ăn gì cũng đáp ứng yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm;
Thực hiện xét nghiệm viêm gan B, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ.
Viêm gan B có tính lây truyền mạnh qua 3 con đường là đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con. Vì vậy ngoài xét nghiệm viêm gan B cho bản thân, bạn cũng nên khuyên người thân và bạn tình (nếu có) đi khám để phòng ngừa bệnh toàn diện nhất.
Công ty TNHH GENACTION
Số 4i , Đường 182, Ấp 1, Xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, Tp. HCM
ĐT: 028 62705779 -0902505589- Fax: 08 3589 1845
Email: genaction.net@gmail.com
Một lần nữa chúng tôi xin gửi lời cám ơn và chúc thành công tới Quý khách.
Chúc Quý khách có 1 tuần mới vui vẻ và tràn đầy năng lượng!